Chỉ số ISM đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá tình trạng sản xuất và xu hướng kinh tế của Mỹ. Nhưng liệu bạn đã hiểu rõ về chỉ số này? Khi chỉ số ISM trên 50 hay dưới 50 có ý nghĩa gì? Nó tác động ra sao đến thị trường tài chính và quyết định đầu tư của bạn? Trong bài viết này, TintucFX sẽ giúp bạn hiểu rõ khái niệm, cách tính, ý nghĩa và ứng dụng của nó trong giao dịch tài chính. Nếu bạn là nhà đầu tư hoặc đang tìm kiếm một công cụ đánh giá xu hướng thị trường, đừng bỏ lỡ bài viết này!
Chỉ số ISM là gì?

ISM (Institute of Supply Management) là Viện Quản lý Cung Ứng – Tổ chức hàng đầu tại Mỹ chuyên nghiên cứu và theo dõi hoạt động kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Chỉ số ISM PMI (Purchasing Managers’ Index – còn gọi là Chỉ số Quản lý Mua hàng Sản xuất ISM) phản ánh tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất dựa trên khảo sát từ hơn 300 nhà quản lý mua hàng tại các công ty lớn.
Đây là một trong những chỉ số quan trọng nhất giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách đánh giá sức khỏe nền kinh tế. Báo cáo ISM được công bố vào ngày làm việc đầu tiên mỗi tháng, lúc 10 giờ sáng theo giờ miền Đông Hoa Kỳ.
Viện Quản lý Cung ứng (ISM) được thành lập từ năm 1915, trước đây có tên là Hiệp hội Quản lý Mua hàng Quốc gia (NAPM). Đến năm 2002, tổ chức này chính thức đổi tên thành ISM. Ngoài PMI sản xuất, ISM còn phát hành PMI dịch vụ (ISM Non-Manufacturing PMI) để theo dõi sức khỏe của ngành dịch vụ, lĩnh vực chiếm phần lớn GDP của Hoa Kỳ.
Ý nghĩa của chỉ số ISM

Chỉ số ISM được coi là “phong vũ biểu” của nền kinh tế Mỹ, cung cấp bức tranh toàn cảnh về xu hướng sản xuất, mở rộng hay suy giảm của hoạt động kinh doanh. Vì khảo sát được thực hiện trực tiếp với các nhà quản lý mua hàng – những người có cái nhìn sâu sắc nhất về chuỗi cung ứng và sản xuất – ISM mang lại những tín hiệu sớm về cung và cầu trên thị trường.
Chỉ số ISM sản xuất
Chỉ số Sản xuất ISM (ISM Manufacturing PMI) đo lường sự thay đổi trong mức độ sản xuất hàng tháng của nền kinh tế Mỹ. Báo cáo này được công bố vào ngày làm việc đầu tiên của mỗi tháng, giúp các nhà đầu tư và doanh nghiệp đánh giá sớm tình hình kinh tế.
Chỉ số này tổng hợp nhiều yếu tố quan trọng như đơn đặt hàng mới, sản xuất, việc làm, giao hàng của nhà cung cấp và hàng tồn kho, mỗi yếu tố đều được điều chỉnh theo mùa để đảm bảo tính chính xác.
Chỉ số ISM phi sản xuất (ISM dịch vụ)
Bên cạnh PMI sản xuất, ISM cũng phát hành chỉ số PMI phi sản xuất (ISM Non-Manufacturing PMI) để đo lường hoạt động của lĩnh vực dịch vụ. Báo cáo này được công bố vào ngày làm việc thứ ba của tháng, cung cấp cái nhìn tổng quan về ngành dịch vụ, một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Mỹ.
Ngoài ra, ISM cũng thực hiện Dự báo Kinh tế Nửa Năm, được công bố vào tháng 5 và tháng 12, giúp đánh giá triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Công thức cách tính chỉ số ISM

Quy trình khảo sát
Mỗi tháng, ISM gửi bảng câu hỏi đến khoảng 400 công ty đại diện cho 20 ngành công nghiệp khác nhau trên khắp nước Mỹ. Các nhà quản lý mua hàng được yêu cầu đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp mình trong các lĩnh vực sau:
- Đơn đặt hàng mới: Đánh giá sự thay đổi về số lượng đơn đặt hàng so với tháng trước.
- Sản xuất: Phản ánh mức độ sản xuất hàng hóa so với tháng trước.
- Việc làm: Đo lường mức tăng/giảm nhân sự trong ngành sản xuất.
- Giao hàng của nhà cung cấp: Xác định tốc độ giao hàng của nhà cung cấp so với tháng trước.
- Hàng tồn kho: Đánh giá mức độ thay đổi trong lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp.
- Hàng tồn kho của khách hàng: Đo lường mức độ tồn kho của khách hàng trong chuỗi cung ứng.
- Giá nguyên vật liệu: Đánh giá biến động giá của nguyên vật liệu đầu vào.
- Tồn đọng đơn hàng: Phản ánh sự gia tăng hoặc giảm số lượng đơn hàng chưa hoàn thành.
- Đơn đặt hàng xuất khẩu mới: Đo lường số lượng đơn hàng xuất khẩu so với tháng trước.
- Nhập khẩu: Đánh giá mức thay đổi của nguyên vật liệu nhập khẩu.
Công thức tính chỉ số ISM
ISM sử dụng trọng số khác nhau để tính chỉ số tổng hợp:
- Đơn đặt hàng mới: 30%
- Sản xuất: 25%
- Việc làm: 20%
- Giao hàng của nhà cung cấp: 15%
- Hàng tồn kho: 10%
Các chỉ số còn lại như giá cả, tồn kho của khách hàng, xuất khẩu, nhập khẩu và đơn hàng tồn đọng đóng vai trò hỗ trợ, cung cấp thêm thông tin về hoạt động sản xuất.
Chỉ số ISM bao nhiêu là tốt?
Chỉ số ISM thường dao động quanh mức 50, được xem là mức quan trọng phản ánh tình trạng của nền kinh tế:
- Trên 50: Hoạt động sản xuất đang mở rộng, nền kinh tế có xu hướng tăng trưởng.
- Dưới 50 nhưng trên 43: Sản xuất suy giảm, nhưng nền kinh tế tổng thể vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng.
- Dưới 43 trong thời gian dài: Cả ngành sản xuất và nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái. Trong trường hợp này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng.

Lời kết
Chỉ số ISM là thước đo quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ mà còn là công cụ hữu ích cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong việc dự báo xu hướng thị trường. Hiểu rõ về khái niệm sẽ giúp bạn nhận diện các dấu hiệu tăng trưởng hay suy thoái kinh tế sớm nhất, từ đó đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả hơn. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn có cái nhìn chi tiết hơn về khái niệm, cách tính toán và ý nghĩa của nó trong phân tích tài chính.