Chỉ số VIX là thước đo quan trọng giúp nhà đầu tư đánh giá mức độ biến động và tâm lý thị trường. Vậy khái niệm này có ý nghĩa gì, hoạt động ra sao, và cách áp dụng vào giao dịch chứng khoán, Forex như thế nào? Trong bài viết này, hãy cùng TintucFX khám phá chi nguồn gốc, cách tính toán, lịch sử phát triển và các chiến lược giao dịch liên quan.
Chỉ số VIX là gì?

Chỉ số VIX (CBOE Volatility Index) là thước đo phản ánh mức độ biến động dự kiến của thị trường chứng khoán Mỹ trong vòng 30 ngày tới. Được phát triển bởi Sở giao dịch quyền chọn Chicago (CBOE), VIX được tính toán dựa trên dữ liệu quyền chọn của 500 công ty thuộc chỉ số S&P 500, phản ánh tâm lý thị trường về rủi ro và sự bất ổn trong ngắn hạn.
Chỉ số này đóng vai trò quan trọng đối với nhà đầu tư khi đánh giá sự biến động của thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán và ngoại hối. Khi VIX tăng cao, điều này thể hiện sự lo ngại gia tăng, thị trường có xu hướng suy giảm. Ngược lại, khi VIX giảm, thị trường thường ổn định hoặc có xu hướng tăng trưởng. Do đó, VIX còn được gọi là “chỉ số nỗi sợ hãi” (Fear Index), giúp nhà đầu tư điều chỉnh chiến lược giao dịch phù hợp với mức độ rủi ro hiện tại.
Nguồn gốc của chỉ số VIX

Ý tưởng về một chỉ số đo lường sự biến động thị trường được đề xuất bởi hai nhà kinh tế Menachem Brenner và Dan Galai từ cuối những năm 1980. Trong các nghiên cứu công bố năm 1989, họ đã phát triển một mô hình chỉ số biến động gọi là Sigma Index, ban đầu áp dụng cho thị trường chứng khoán, sau đó mở rộng sang biến động lãi suất và tỷ giá hối đoái.
Năm 1992, CBOE đã thuê chuyên gia Bob Whaley để hiện thực hóa ý tưởng này bằng cách xây dựng phương pháp tính toán dựa trên dữ liệu quyền chọn chỉ số thị trường từ tháng 1/1986 đến tháng 5/1992. Nhờ đó, VIX chính thức ra đời và được công bố như một chỉ số đo lường sự dao động kỳ vọng của thị trường.
Hiện nay, chỉ số VIX phản ánh sự thay đổi dự kiến của chỉ số S&P 500 trong tương lai gần bằng cách sử dụng mô hình định giá quyền chọn và dữ liệu thị trường thực tế. Bản chất của VIX chính là kỳ vọng của thị trường đối với biến động giá của tài sản cơ sở, giúp nhà đầu tư định hướng chiến lược giao dịch quyền chọn, hợp đồng tương lai, cũng như các sản phẩm phái sinh trên thị trường tài chính và Forex.
Lịch sử phát triển của chỉ số biến động VIX

- 1987: Brenner & Galai giới thiệu khái niệm “Chỉ số Sigma” – tiền đề của VIX.
- 1989: Nghiên cứu của Brenner & Galai được công bố, đặt nền móng cho các chỉ số biến động sau này.
- 1992: Sàn AMEX đề xuất “Chỉ số Sigma” để đo lường biến động thị trường.
- 1993: Ngày 19/1, CBOE chính thức ra mắt Chỉ số VIX, do GS. Robert E. Whaley phát triển, dựa trên quyền chọn S&P 100 (OEX), lúc đầu gọi là VXO.
- 2003: CBOE hợp tác với Goldman Sachs, cải tiến công thức VIX, chuyển từ S&P 100 sang S&P 500.
- 2004: Ngày 26/3, hợp đồng tương lai VIX ra mắt trên CBOE Futures Exchange (CFE), đưa VIX thành công cụ phòng ngừa rủi ro.
- 2006: CBOE giới thiệu quyền chọn VIX, mở rộng cơ hội giao dịch.
- 2008: Khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngày 24/10, VIX chạm 89,53, mức cao kỷ lục.
- 2018: Ngày 5/2, VIX tăng 103,99%, đạt 37,32, phản ánh sự xáo trộn mạnh trên thị trường.
- 2020: Đại dịch COVID-19, ngày 16/3, VIX đạt 82,69, mức cao nhất lịch sử do lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái.
Các phân tích về chỉ báo VIX

Phân tích xu hướng
Chỉ số VIX phản ứng mạnh với phân tích kỹ thuật nhưng với vai trò là chỉ báo biến động, nó cũng đặc biệt nhạy cảm với các yếu tố kinh tế vĩ mô. Khi phân tích xu hướng VIX, nhà giao dịch cần xem xét hai yếu tố chính: khung thời gian và các chỉ báo xu hướng.
Trước tiên, hãy xác định khung thời gian phù hợp như H4, D1, W1 hoặc MN. Khung thời gian càng lớn, xu hướng tổng thể càng rõ ràng nhưng không nên chọn khung quá xa so với thời điểm giao dịch thực tế để tránh mất tính thời sự của biến động thị trường.
Một trong những công cụ phổ biến để đánh giá xu hướng là đường trung bình động đơn giản 100 hoặc 200. Đây là chỉ báo thường được các nhà đầu tư sử dụng để nhận diện xu hướng:
- Xu hướng tăng: Khi giá duy trì phía trên SMA và tiếp tục tăng.
- Xu hướng giảm: Khi giá nằm dưới SMA và tiếp tục đi xuống.
Tuy nhiên, việc chỉ dựa vào xu hướng dài hạn không đủ để đưa ra quyết định giao dịch tối ưu. Trong một xu hướng giảm, vẫn có những đợt điều chỉnh tăng tạm thời, và trong một xu hướng tăng, vẫn có giai đoạn giảm ngắn hạn. Do đó, cần kết hợp với phân tích xu hướng ngắn hạn để có cái nhìn toàn diện hơn.
Hành động giá và phân tích kỹ thuật

Bên cạnh các chỉ báo xu hướng, hành động giá (price action) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định xu hướng của VIX. Nhà giao dịch có thể sử dụng các mô hình giá để dự đoán biến động sắp tới.
Cách đơn giản nhất để áp dụng hành động giá là theo dõi các mức hỗ trợ và kháng cự quan trọng, đặc biệt là các điểm cao và thấp trước đó:
- Nếu giá phá vỡ mức đáy gần nhất và đóng nến bên dưới, xu hướng giảm có khả năng tiếp diễn.
- Nếu giá vượt qua đỉnh gần nhất và đóng cửa phía trên mức này, xu hướng tăng có thể tiếp tục.
Phân tích cơ bản và tác động kinh tế
Không chỉ là một công cụ phân tích kỹ thuật, chỉ số VIX còn là thước đo cảm xúc và sự sợ hãi của thị trường. Vì vậy, nó phản ứng mạnh mẽ với các yếu tố kinh tế và địa chính trị.
Những chỉ số kinh tế có tác động lớn đến biến động của VIX bao gồm:
- Tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ
- Lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (FED)
- Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ
Bên cạnh đó, những yếu tố bất thường như khủng hoảng tài chính, đại dịch Covid-19 hoặc các sự kiện địa chính trị cũng làm gia tăng biến động thị trường và đẩy chỉ số lên cao. Ví dụ, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến sự hoảng loạn, kéo theo mức tăng đột biến của VIX. Sau khi các biện pháp ổn định được triển khai, VIX giảm dần về vùng 20-40, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với thời kỳ trước đại dịch.
Lời kết
Chỉ số VIX là công cụ quan trọng giúp nhà đầu tư hiểu rõ tâm lý thị trường, điều chỉnh chiến lược giao dịch hợp lý. Việc nắm bắt xu hướng, kết hợp phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản, có thể mang lại lợi thế lớn trong việc quản lý rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận.